5 sai lầm trong điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống và sinh hoạt của bạn, những cơn đau dữ dội và kéo dài khiến bạn mệt mỏi. Kết hợp nhiều loại thuốc và những phương pháp đông tây để mong rằng có thể chế ngự VKDT, tuy nhiên bạn có nhận ra những sai lầm cực kì phổ biến trong lộ trình điều trị của bạn? Nếu thấy những lỗi sai sau đây quen  thuộc, hãy thay đổi ngay lập tức vì chưa bao giờ là quá muộn với khớp của bạn.

viem-khop-dang-thap

Không thường xuyên gặp bác sĩ cơ xương khớp

VKDT tiến triển khá bất ngờ, triệu chứng và dấu hiệu đôi khi liên quan đến một số bệnh lý khớp khác. Vì đó mà gặp bác sĩ định kì là điều quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả trong quá trình điều trị của bạn. Các bác sĩ sẽ hẹn lịch và đưa ra tần số khám định kì phù hợp tình trạng viêm của bạn. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên và tư vấn đúng đắn cũng như phù hợp nhất, giúp bạn nhanh chóng kiểm soát bệnh tình của mình.

Nghỉ ngơi quá nhiều

Bạn bị đau khớp khiến vận động rất khó khăn, bạn mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên bạn không nên nghỉ ngơi quá nhiều. Tập thể dục đều đặn là chìa khóa cho sức khỏe của bạn. Bạn nghỉ ngơi quá nhiều làm các khớp cứng và “lười” hơn, tạo điều kiện cho ổ viêm phát triển mạnh, cố định các khớp của bạn. Hãy tập những bài tập nhẹ nhàng như yoga hoặc thái cực quyền, dưỡng sinh. Đôi khi bạn nên xông hơi hoặc ngâm mình trong nước ấm để cảm thấy thư giãn hơn.

Khi tình trạng dần được cải thiện cũng là lúc bạn cần tăng tần suất và cường độ hoạt động của mình để nhanh phục hồi hơn. Tập các bài tập tăng cường sức mạnh của cơ và khớp, tăng sự linh hoạt của tim mạch và các khớp.

Những bài tập của bạn cần được sự tư vấn của các bác sĩ để giới hạn cường độ phù hợp cũng như lộ trình cho bạn.

Không đi khám định kì

Khi thấy tình trạng đã được cải thiện tốt, bạn có hủy hẹn khám bác sĩ không? Thực sự không nên vì VKDT là một bệnh có diễn biến phức tạp và có thể tái phát dữ dội nếu bạn tự ý thay đổi hoặc dừng phác đồ điều trị.

Trong những lần khám định kì, các bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ hồi phục, các tác dụng phụ có thể gặp cũng như kiểm tra cách bạn đang làm. Từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn tối ưu nhất cho việc điều trị của bạn.

Dùng không đủ thuốc hoặc bỏ thuốc

Các loại thuốc điều trị VKDT có tác dụng khá mạnh và những tác dụng phụ cũng rất đáng được lưu tâm. Vì vậy mà việc tự ý điều chỉnh liều hay bỏ thuốc là những nguyên nhân chính khiến quá trình điều trị của bạn không mang lại hiệu quả, đôi khi còn gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Quá trình điều trị của bạn cần được tương tác cao với bác sĩ để có những tư vấn kịp thời nhất trong điều chỉnh liều cũng như theo dõi, ngăn ngừa tác dụng phụ.

Tâm trạng không tốt

VKDT gây ra những cơn đau, làm bạn khó chịu và dễ dẫn đến stress. Mọi chuyện sẽ khó khăn hơn khi bạn cảm thấy buồn phiền. Khi đó là cơ hội cho các gốc tự do tăng sinh làm ổ viêm phát triển mạnh hơn, khi buồn phiền bạn cũng ngại vận động thậm chí không tuân thủ theo phác đồ điều trị. Tất cả chúng đều ảnh hưởng xấu đến bệnh tình của bạn. Các thuốc điều trị trong viêm khớp dạng thấp đa số có tác dụng chậm, ví dụ methotrexate chỉ có tác dụng sau 4 – 6 tuần. Hãy tin tưởng vào bác sĩ và quá trình trị liệu của bản thân. Nếu thấy những bất ổn trong tâm trạng, hãy gặp bác sĩ khớp hoặc bác sĩ tâm lý để có những tư vấn giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Theo cuocsongkhoe.com