6 Lời khuyên giúp kiểm soát hiệu quả bệnh đái tháo đường

Đối với điều trị đái tháo đường, hiểu biết về bệnh và cách điều trị là một yếu tố then chốt để có được cuộc sống thoải mái và khỏe mạnh. Kèm theo sự phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị, bạn có thể kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường bằng 6 thay đổi quan trọng trong cuộc sống hàng ngày như sau.

nhung-cach-kiem-soat-benh-dai-thao-duong-ngan-ngua-bien-chung11505451230

Ăn uống lành mạnh

Ăn uống lành mạnh là một trong những biện pháp chủ chốt để kiểm soát bệnh đái tháo đường và giúp hệ tim mạch hoạt động hiệu quả. Thật vậy, điều này rất quan trọng vì những gì chúng ta ăn sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ăn vừa đủ lượng cơ thể cần (tham khảo ý kiến bác sĩ với từng thể trạng bệnh nhân và mức độ diễn biến của bệnh), ăn nhiều chất xơ (rau, quả, ngũ cốc…), hạn chế đồ chiên nướng và thực phẩm có hàm lượng đường và chất béo cao. Hãy nhớ rằng carbonhydrat sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành đường, do đó hãy kiểm soát lượng tinh bột đưa vào cơ thể bạn. Cố gắng giữ mức nạp vào ổn định và đều đặn trong các bữa ăn. Việc kiểm soát tốt chế độ ăn thậm chí còn quan trọng hơn việc điều trị bằng insulin hay dùng thuốc kiểm soát đường huyết.

Tập thể thao đều đặn

Nếu bạn là một người lười vận động, hãy thay đổi ngay bây giờ. Bạn không cần phải tới phòng gym, một lớp khiêu vũ thể thao hay những địa điểm tương tự. Đơn giản bạn chỉ cần tập thói quen chạy bộ, làm việc nhà hoặc chơi những trò chơi lành mạnh. Hãy dành ra cho mình ít nhất 30 phút mỗi ngày để chơi thể thao, đổ mồ hôi và luyện hít thở (theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kì). Một lối sống tích cực sẽ làm tươi mới những tế bào của bạn, giúp chúng hoạt động hiệu quả và kiểm soát đường huyết. Không những thế, lối sống tích cực còn giúp bạn có thể tránh những nguy cơ về huyết áp và tim mạch. Tập thể thao còn giúp cho bạn giảm cân và giải tỏa stress sau những giờ làm việc căng thẳng.

Khám sức khỏe định kì

Hãy tới bệnh viện và kiểm tra tình hình sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Các thông số như Cholesterol máu, huyết áp, A1c (lượng đường huyết trong 3 tháng)…sẽ cho bạn những cảnh báo về bệnh tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch sớm. Giúp bạn có những hướng điều trị kịp thời. Hãy tới ngay bác sĩ chuyên khoa nếu xuất hiện những dấu hiệu như loét chân và rối loạn thần kinh.

Không hút thuốc lá

Đái tháo đường gây nên những nguy cơ về bệnh thận, tim, mạch máu và các vấn đề liên quan đến thần kinh. Khi bạn hút thuốc, nguy cơ để mắc phải những rối loạn này sẽ tăng khoảng 80 lần. Nếu đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc ngay từ bây giờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình cai thuốc.

Kiểm soát stress

Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta thật khó để tránh khỏi stress. Khi căng thẳng, mức độ đường trong máu của bạn sẽ tăng cao, điều đó gây ra những khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết. Hãy tập thể dục đều đặn, ăn uống đúng cách và dùng thêm một số thuốc hỗ trợ. Có thể tìm hiểu về các bài tập thở sâu, thư giãn hoặc học yoga cũng là một cách hiệu quả để giảm stress.

Hạn chế đồ uống có cồn

Việc kiểm soát đái tháo đường sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi bạn không dùng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác. Vì vậy, nếu bắt buộc phải uống, hãy kiểm soát và đừng lạm dụng đồ uống có cồn.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kì khuyến cáo rằng: Không nên uống quá 45ml/ngày (khoảng 1 chén nhỏ) với rượu có nồng độ cồn khoảng 40%. Từ đó có thể suy ra thể tích bia hoặc các đồ uống có cồn khác với lượng cồn Ethanol tương đương.

Không nên uống rượu và thuốc hạ đường huyết cùng lúc, trong một số trường hợp có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của Dược sĩ thì bạn nên ngừng rượu hoàn toàn. Nếu bạn đang tiêm insulin và có uống rượu trong ngày thì phải thử đường máu trước khi ngủ, nếu đường máu <7mmol/l thì nên ăn đêm. Nếu không thử được thì nên ăn thêm các thực phẩm có chứa carbonhydrat để tránh hạ đường huyết lúc nửa đêm.