Điều trị tăng Lipid máu như thế nào?

Tăng lipid máu hay tăng mỡ máu là khi có sự mất cân bằng giữa hàm lượng các cholesterol xấu, cholesterol tốt, triglycerid và một số yếu tố khác. Tăng lipid máu đơn thuần không thể hiện trên triệu chứng lâm sàng, tuy vậy nếu để tình trạng này kéo dài, bạn có thể có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, xơ vữa hay Alzheimer. Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những vấn đề quan trọng nhất trong điều trị tăng mỡ máu.

dieu-tri-tang-lipid-mau-nhu-the-nao

Chế độ ăn nhiều chất xơ

Thay đổi chế độ ăn là một biện pháp cực kì hiệu quả trong điều trị tăng mỡ máu. Trong đó chất xơ là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong khẩu phẩn của người tăng lipid máu. Chất xơ có hai loại là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan, tất cả chúng đều rất tốt với việc hạ lipid máu, tuy nhiên chất xơ hòa tan được chứng minh là có hiệu quả hơn cả. Chất xơ hòa tan giúp làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL – Low Density Lipoprotein) và cải thiện lượng cholesterol tốt (HDL – High Density Lipoprotein). Các thực phẩm giàu chất xơ gồm: ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, trái cây, rau quả và các loại đậu.

Kiểm soát lượng chất béo hàng ngày

Các chuyên gia khuyến cáo lượng calo được cung cấp từ chất béo mỗi ngày không được vượt quá 35% tổng lượng calo toàn phần. Tuy vậy, bạn vẫn cần kiểm soát các loại thực phẩm chứa chất béo vì vai trò của từng loại chất béo là khác nhau. Ví dụ chất béo bão hòa có trong mỡ động vật làm tăng LDL. Chất béo transfat (chất béo tổng hợp công nghiệp) có trong các sản phẩm chế biến sẵn, đồ chiên nướng, bánh kẹo… kích thích tăng tổng hợp LDL, tăng lượng cholesterol xấu. Mặt khác, các chất béo không bão hòa có trong dầu lạc, dầu đậu nành, dầu ô liu… giúp cải thiện nồng độ cholesterol tốt – HDL.

Sử dụng protein lành mạnh

Thịt động vật và sữa béo có nhiều chất đạm, nhưng chúng cũng là nguồn tổng hợp chính tạo ra LDL. Vậy nên thay vì sử dụng những protein “xấu” bạn có thể hạn chế chúng và thay thế bằng protein tốt có nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu phụ. Đặc biệt cá nói chung và cá hồi nói riêng là một nguồn protein tốt cực kì tuyệt hảo. Ngoài ra trong các loại hải sản còn chứa omega – 3 giúp giảm nồng độ LDL. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, để cải thiện mỡ máu bạn nên ăn cá ít nhất hai lần một tuần.

Chế độ ăn ít tinh bột

Theo một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy chế độ ăn giảm tinh bột, thay vào đó là chất xơ và các protein lành mạnh có thể cải thiện mỡ máu, mang lại hiệu quả vượt bậc hơn cả những người sử dụng chế độ ăn kiêng dầu mỡ.

dieu-tri-tang-lipid

Kiểm soát cân nặng

Nếu bạn bị thừa cân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và lập ra một kế hoạch giảm cân chặt chẽ. Việc thừa cân béo phì ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng lượng triglycerid, LDL và cholesterol toàn phần. Mặt khác, với mỗi lượng cân nặng bị giảm sẽ kích thích tăng tổng hợp đáng kể lượng cholesterol tốt – HDL.

Ngưng hút thuốc lá

Hãy ngừng hút thuốc lá chủ động và tránh việc phải hít khói thuốc thụ động. Việc này có thể khó khăn nhưng hiệu quả chúng mang lại thực sự có ý nghĩa, lượng cholesterol tốt của bạn có thể cải thiện tới 10% sau ngừng hút thuốc. Nếu gặp khó khăn trong quá trình cai thuốc, hãy tới gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn về các liệu pháp có thể áp dụng, cũng như cân nhắc dùng thêm một số sản phẫm hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.

Tập luyện thể dục đều đặn

Bạn có thể cải thiện tới 5% lượng cholesterol tốt – HDL chỉ sau 2 tháng luyện tập chăm chỉ. Hãy chọn cho mình những môn thể thao làm tăng sức bền, đẩy nhanh nhịp tim như đi bộ nhanh, chạy, bơi lội hay aerobic… Và thực hiện luyện tập đều đặn 30 – 40 phút mỗi ngày, mỗi tuần ít nhất 4 ngày tập luyện. Nếu chưa kịp bắt nhịp với luyện tập, hãy chia nhỏ khoảng thời gian luyện tập trong ngày thành từng 10 – 15 phút và thực hiện nhiều lần trong ngày.

Dùng thuốc và thực phẩm chức năng

Sau 3 – 6 tháng cải thiện tăng mỡ máu bằng luyện tập và chế độ ăn bạn nên đi làm xét nghiệm để định lượng tiến triển của liệu pháp. Nếu việc luyện tập và chế độ ăn không mang lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn sẽ tư vấn cho bạn sử dụng một số loại thuốc hỗ trỡ. Thông thường các thuốc được sử dụng là các statin, chúng có tác dụng giảm hấp thu cholesterol ở ruột, ức chế tiết acid mật và muối mật để giảm tiêu hóa mỡ. Các thực phẩm chức năng chứa sterol thực vật, cao artiso, húng quế, đặc biệt là tỏi, yến mạch, trà xanh… cũng chứa những hoạt chất có chức năng cải thiện lượng cholesterol tốt. Dược sĩ có thể khuyên bạn nên kết hợp các thuốc và thực phẩm chức năng để mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn.

Trên đây là một số định hướng điều trị cho bệnh nhân tăng lipid máu. Bệnh nhân cần xác định quá trình điều trị là lâu dài và cần có sự phối hợp giữa chế độ ăn, luyện tập cũng như dùng thuốc. Tăng lipid máu đơn thuần không có nhiều nguy hiểm nhưng bệnh nhân cần theo dõi lượng cholesterol máu định kì để kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng khác.

Theo cuocsongkhoe.com