Hướng dẫn chăm sóc da và khớp cho bệnh nhân vẩy nến

Vẩy nến là một bệnh da liễu thường gặp. Ở thể nhẹ, bệnh chỉ xuất hiện ở một vài vị trí trên da. Tuy nhiên, nặng hơn bệnh có thể lan ra toàn thân hoặc gặp các biến chứng ở khớp gọi là viêm khớp vẩy nến. Phòng và điều trị bệnh vẩy nến sẽ không quá khó nếu chúng ta nắm được những quy tắc vàng của bệnh. Sau đây là những hướng dẫn có thể giúp bệnh nhân vẩy nến trong việc chăm sóc da và khớp khi trị liệu.

huong-dan-cham-soc-da-va-khop-cho-benh-nhan

Chăm sóc da

  • Dưỡng ẩm

Bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ hoặc thuốc mỡ để dưỡng ẩm cho da. Các chuyên da cho rằng da khô có thể bị kích ứng nhiều hơn dẫn đến ngứa. Việc da bị ngứa sẽ làm tăng phản xạ gãi của bệnh nhân, có thể gây ra những tổn thương và lây lan ổ viêm rộng hơn, tăng mức độ viêm nhiễm da.

Tốt nhất là dưỡng ẩm da ngay sau khi tắm. Các sản phẩm dưỡng ẩm da cũng cần được lựa chọn kĩ càng để tìm được sản phẩm dịu nhẹ nhất cho da của bạn. Các sản phẩm dịu nhẹ thường không có hoặc một chút mùi thơm dịu, pH của chúng phải gần như trung tính.

  • Tắm nắng

Ánh nắng mặt trời buổi sáng có tia cực tím ở mức độ nhẹ có thể tốt cho da của bạn. Tia cực tím có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, làm chậm sự tiến triển của các tế bào viêm. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân phương pháp trị liệu bằng ánh sáng với những máy chiếu tia chuyên dụng cho kết quả tương tự.

Lượng ánh sáng mặt trời hiệu quả với bệnh nhân vẩy nến là khoảng 15 – 20 phút ánh nắng buổi sáng mỗi ngày. Hãy sử dụng kem chống nắng với các vùng da không bị bệnh để đảm bảo hiệu quả điều trị.

  • Chọn xà phòng tắm

Một số loại xà phòng hoặc sữa tắm có hệ số tẩy rửa cao, điều đó làm rửa trôi lớp dầu tự nhiên của da và gây khô da, kích ứng da. Chọn xà phòng khá giống như chọn kem dưỡng da dịu nhẹ, pH của chúng cần trung tính và thường là mùi thơm nhẹ dịu. Khi tắm không cần thiết phải bôi quá nhiều xà phòng toàn bộ cơ thể.

  • Tránh tổn thương ngoài da

Một mũi tiêm hoặc vết xước do dao cạo có thể bùng phát lên một ổ viêm với những bệnh nhân nhạy cảm. Cẩn thận với các vật dụng sắc nhọn, cắt móng tay thường xuyên, đôi khi chúng có thể vô tình gây nên những vết thương trên da bạn.

Chăm sóc khớp

Bệnh viêm khớp vẩy nến khác với những loại viêm khớp khác vì nó bắt nguồn từ ổ viêm ngoài da. Các loại thuốc giảm đau chống viêm thông thường không theo toa có thể giúp bạn giảm các triệu chứng đau và cứng khớp. Tuy nhiên chúng không thực sự hiệu quả với những bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng, khi này bạn có thể cần tới những loại thuốc đặc biệt được kê theo toa và có phấc đồ điều trị vô cùng nghiêm ngặt. Ngoài ra bạn cần phải phối hợp một số chế độ sinh hoạt và tập luyện để đạt hiệu quả cao nhất.

  • Duy trì vận động

Vận động thường xuyên là rất quan trọng, nó không chỉ đúng cho viêm khớp vẩy nến mà hầu như tất cả các loại viêm khớp. Khi bạn vận động, các khớp xương sẽ trở nên linh hoạt và tăng dẫn truyền các chất chống viêm tới vùng tổn thương. Chọn cho mình một bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe và không làm quá sức. Chỉ cần 15 – 30 phút mỗi ngày và thực hiện ít nhất năm ngày một tuần, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt sau khoảng một tháng trị liệu.

  • Giảm cân

Nếu bạn bị thừa cân thì điều này vô cùng có ích, với mỗi đơn vị trọng lực được giảm thì áp lực lên khớp xương chi dưới của bạn sẽ được giảm khoảng 4 – 6 đơn vị. Áp lực cao lên khớp xương làm bạn bị đau nhiều hơn, các khớp bị ứ trệ và khó khăn trong vận động cũng như kháng viêm. Bạn có thể giảm cân bằng điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh hoặc vận động thể thao.

  • Hãy bình tĩnh và kiên trì

Nếu chưa thấy được hiệu quả ngay trong điều trị. Nếu các cơn đau vẫn hành hạ bạn dai dẳng hàng tháng mà chưa dứt. Xin đừng vội bi quan, các liệu pháp điều trị viêm khớp thường có tác dụng chậm, một số loại thuốc như methotrexate chỉ có tác dụng sau khoảng 4 – 6 tuần điều trị. Hơn nữa một số nghiên cứu còn chứng minh được mối quan hệ giữa stress và sự bùng phát viêm khớp vẩy nến. Hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được những tư vấn phù hợp nhất khi bạn gặp khó khăn trong điều trị.

Theo cuocsongkhoe.com