Khi cảm cúm dẫn tới viêm phế quản

Sẽ thế nào khi một đợt cảm lạnh thông thường dẫn đến tình trạng viêm phế quản cấp? Tình trạng này sẽ gây ra hiện tượng niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm cấp. Nếu không điều trị kịp thời, rất có thể bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng lớn hơn như bội nhiễm hoặc viêm phổi, một số trường hợp có thể tiến triển thành viêm phế quản mạn. Sau đây là những điều bạn cần nắm khi một đợt cảm lạnh tiến triển thành viêm phế quản.

camcum

1. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn ho kéo dài

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống các vi khuẩn kèm theo đờm từ trong hệ thống hô hấp ra ngoài môi trường. Về nguyên tắc thì ho là có lợi, tuy nhiên nếu tình trạng ho vẫn kéo dài sau khi cơn cảm cúm đã hết thì đó là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị mắc viêm phế quản hoặc viêm phổi sau cảm cúm.
Bác sĩ cần được thông báo chính xác và sớm nhất về tình trạng ho của bạn, các thông tin như thời gian và mức độ ho, màu của dịch đờm (thường là đờm xanh hoặc vàng trong viêm phế quản), thở khò khè, sốt cao hơn 38 độ C hoặc ho kèm máu… là những thông tin vô cùng hữu ích giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác về bệnh.
Viêm phế quản đặc trưng bởi ho dai dẳng. Theo thống kê thì có tới 25% số ca ho mạn tính là do viêm phế quản gây ra.

2. Phân loại

Viêm phế quản thường được phân loại thành 2 dạng bệnh cơ bản bao gồm:

Viêm phế quản cấp: chúng thường phổ biến hơn và chủ yếu là do nhiễm virus hướng phổi. Chúng cũng thường được mô tả là xảy ra khi ngực và cổ của bạn bị nhiễm lạnh, thường thì chúng nhẹ hơn viêm phổi nhưng nặng hơn các loại cảm lạnh thông thường. Tình trạng bệnh sẽ tồi tệ hơn nếu bệnh nhân phải làm việc trong môi trường bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Viêm phế quản mạn: chúng thường do viêm phế quản cấp kéo dài, không được điều trị dứt điểm tiến triển thành. Trong các nguyên nhân thông thường như khói bụi, ô nhiễm, vi sinh vật… thì hút thuốc vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản mạn.

3. Triệu chứng

  • Chúng gồm các triệu chứng điển hình như:
  •  Ho có đờm nhầy, mủ xanh hoặc vàng.
  • Mệt mỏi, đau yếu cơ khớp.
  • Thở khò khè.
  • Có thể kèm theo sốt, đau đầu.

Hãy đi gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị nếu bạn gặp các triệu chứng sau đây:

  • Ho kéo dài hơn 2 tuần.
  • Ho ra máu hoặc đờm lẫn máu.
  • Hơi thở ngắn hoặc khò khè ngay cả khi đã hết cảm cúm.

4. Điều trị viêm phế quản tại nhà như thế nào?

Ngoài sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc dược sĩ thì điều trị tại nhà cũng là rất quan trọng trong bệnh viêm phế quản, sau đây là những việc bạn cần làm:

  • Nghỉ ngơi, chỉ nên đi lại và vận động nhẹ.
  • Không hút thuốc.
  • Uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm.
  • Điều trị triệu chứng như giảm đau hoặc hạ sốt bằng các thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như paracetamol, aspirin. Đặc biệt thận trọng với trẻ em, người có tiền sử bị các bệnh gan, thận, đau dạ dày cũng không nên lạm dụng.
  • Chỉ sử dụng thuốc giảm ho khi những cơn ho làm bạn đau ngực nhiều và khiến bạn không ngủ được. Vì khi sử dụng thuốc ho đồng nghĩa với việc bạn hạn chế cơ thể tống những vi sinh vật gây bệnh kèm đờm ra khỏi phế quản.
  • Virus thường là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm phế quản, vì vậy mà đa số các trường hợp kháng sinh sẽ không có tác dụng. Bạn không nên tự ý điều trị bằng kháng sinh tại nhà, thay vào đó bạn nên tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị và tránh trường hợp kháng thuốc về sau.

5. Phòng tránh viêm phế quản như thế nào

Về cơ bản nguyên tắc phòng tránh viêm phế quản là tránh cho đường hô hấp tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, do đó bạn nên:

  • Tránh xa các dị nguyên gây kích ứng như bụi, khói hoặc lông thú vật. Nghỉ ngơi nhiều khi bị cảm cúm.
  •  Dùng thuốc theo toa, không tự ý kê đơn hoặc ngắt liều khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Ăn một chế độ ăn lành mạnh, tránh các chất kích thích.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân, dụng cụ ăn uống.

Viêm phế quản không phải là một bệnh khó điều trị, tuy nhiên sẽ có rất nhiều điều cần lưu ý nếu không muốn tình trạng của bạn tiến triển thành viêm phế quản mạn. Hãy đón đọc những bài viết tiếp theo cùng chuyên mục để có những góc nhìn chi tiết hơn về phòng và điều trị bệnh viêm phế quản.

Theo cuocsongkhoe.com