Một số vấn đề cần lưu ý trong điều trị đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type 1 nguyên nhân do tổn thương tế bào beta đảo tụy dẫn đến giảm tiết hoặc không còn tiết insulin, gây ra những biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, thị lực và miễn dịch. Người bệnh phải chấp nhận điều trị bằng insulin và phụ thuộc hoàn toàn, thường xuyên vào insulin. Sau đây là một số thắc mắc thường gặp về điều trị đái tháo đường type 1.

luu-y-trong-dieu-tri-dai-thao-duong-type-1

Làm thế nào để đánh giá hiệu quả quá trình trị liệu?

Để đánh giá liệu insulin có mang lại hiệu quả trên cơ địa của bạn, hãy đi xét nghiệm chỉ số HbA1c trong máu 3 đến 6 tháng một lần, chỉ số HbAc1 là chỉ số đặc trưng cho tiến triển và tiên lượng đái tháo đường. Nếu liệu pháp insulin hiện tại không đáp ứng, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn về điều chỉnh liều insulin, lên kế hoạch chặt chẽ hơn về chế độ ăn và hoạt động thể chất.

Nếu bạn không đáp ứng với insulin?

Ngoài việc thay đổi liều insulin cũng như lối sống như đã nói ở trên, khi bạn không đáp ứng với insulin hoặc gặp dị ứng khi điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc về việc cấy ghép đảo tụy. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ thay thế phần đảo tụy bị tổn thương của bạn bằng đảo tùy từ người hiến khỏe mạnh. Nhược điểm của phương pháp này là khả năng thành công chưa tuyệt đối, tỷ lệ bị thải ghép cao cũng như khả năng tái phát lớn. Để tránh việc miếng ghép bị tấn công bởi những tế bào miễn dịch của cơ thể, bạn phải dùng corticoid gây ức chế miễn dịch, đương nhiên điều này sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ về sau do tác dụng phụ của thuốc.

Hy vọng vào tụy nhân tạo?

Các nhà khoa học đang rất kì vọng vào khả năng thành công của ý tưởng này. Về cơ bản, tụy nhân tạo là một bộ phận nhỏ được cấy ghép vào cơ thể có chức năng sản xuất và tiết insulin giống như hoạt động của tế bào beta đảo tụy, mức glucose máu sẽ được đo và ghi lại trên bộ phận điều khiển qua đó có thể điều chỉnh ngược lại hoạt động của máy cho phù hợp. Hiện tại tụy nhân tạo đang được đưa vào thử nghiệm và bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Tập luyện thể dục với người đái tháo đường

Bạn cần phải hoạt động thể chất, nhưng hãy thận trọng khi làm điều đó. Để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột ngột, bác sĩ có thể cho bạn biết những điều này trước khi bạn tập thể dục:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu
  • Điều chỉnh liều insulin
  • Chia nhỏ bữa ăn

Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên kiểm tra thể ceton trong máu, chúng cho thấy đường huyết của bạn quá cao. Tránh tập thể dục khi lượng đường huyết tăng cao và lượng ceton quá mức cho phép. Hiện nay có một số loại máy cầm tay có thể đánh giá nhanh tình trạng đường huyết của bạn, hãy sử dụng chúng như một vật bất ly thân trước khi hoạt động thể lực.

Người bệnh đái tháo đường type 1 có nên mang thai?

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn có con, bác sĩ sẽ cho bạn làm những xét nghiệm cần thiết để đánh giá tiến triển bệnh của bạn và đưa ra lời khuyên phù hợp nhất với bạn. Về cơ bạn hãy thận trọng khi mang thai vì đái tháo đường type 1 ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ tăng nguy cơ sẩy thay và dị tật bẩm sinh, thường là ảnh hưởng đến mắt và tim mạch.

Khi trẻ em mắc đái tháo đường type 1

Khi một đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, điều này sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Các bậc phụ huynh phải giúp bé kiểm tra lượng đường trong máu, lên kế hoạch ăn, và điều chỉnh lượng insulin 24 giờ. Bệnh đòi hỏi phải liên tục theo dõi trong 24 giờ, vì vậy bạn cũng phải lập kế hoạch điều trị khi trẻ đến trường và các hoạt động ngoại khóa.

Trên đây là một số thắc mắc cơ bản thường gặp trong đái tháo đường type 1, chúng tôi hy vọng có thể giải đáp phần nào những băn khoăn của bạn về bệnh. Các câu trả lời của chúng tôi không mang tính cá thể trong điều trị, vì vậy điều rất quan trọng là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về riêng trường hợp của mình để đưa ra phác đồ phù hợp nhất.

Theo cuocsongkhoe.com