Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh hô hấp truyền nhiễm cấp tính thông qua virus sởi. Chủ yếu bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, một số trường hợp gặp ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm nhắc lại. Việc hiểu về bệnh sởi qua triệu chứng và nguyên nhân là những yếu tố then chốt trong phong ngừa, chẩn đoán và điều trị.

nguyen-nhan-va-trieu-chung-benh-soi

Định nghĩa bệnh

Như đã đề cập, bệnh sởi là một bệnh hô hấp truyền nhiễm cấp tính thông qua virus sởi. Mùa đông xuân là thời gian phát triển rầm rộ của bệnh. Đặc trưng của bệnh là sốt, viêm và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm giác mạc, viêm màng não…

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh sởi do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Tuy gây bệnh nguy hiểm nhưng virus này có sức chịu đựng khá kém. Virus sởi dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc khử trùng thông thường và ánh sáng mặt trời. Hơn nữa chúng cũng chỉ có thể chịu được nhiệt 56◦C trong 30 phút.

Virus sởi có 2 loại kháng nguyên chính là kháng nguyên tan huyết và kháng nguyên ngưng tụ hồng cầu.

Những đối tượng là nguồn lây nguy hiểm có thể là những người bệnh tiềm tàng từ 2 – 4 ngày trước khi phát hiện bệnh đến ngày thứ 5 – 6 phát ban.

Cơ chế gây bệnh

  • Giai đoạn ủ bệnh: virus xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, từ đây virus nhân lên với cấp số nhân. Chúng lan vào các tế bào biểu mô đường hô hấp cũng như các mạch bạch huyết lân cận. Tiếp theo chúng tấn công vào máu, giai đoạn này được gọi là nhiễm lần một.
  • Giai đoạn toàn phát: từ máu, virus theo bạch cầu xâm lấn các tạng quan trọng như phổi, hạch, lách,… gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan.
  • Giai đoạn lui bệnh: từ khoảng ngày thứ hai, ngày ba từ khi ban mọc, cơ thể sinh kháng thể. Kháng thể tăng lên thì virus bi loại khỏi máu.

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh sởi thể điển hình

  • Ủ bệnh: 7-21 ngày, thường khoảng 10 ngày.
  • Khởi phát: giai đoạn viêm long 2-4 ngày kèm sốt cao. Hạch bạch huyết sưng to, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc: chảy nước mắt, nước mũi, ho, mắt có dỉ kèm nhem, mắt có sưng nề mí mắt.
  • Toàn phát: Sau khi sốt cao 3 – 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện các nốt phát ban, lan dần từ sau tai, sau gáy, lan ra trán, mặt, đầu, cổ sau đó lan ra toàn bộ thân mình và tứ chi, gan bàn chân và lòng bàn tay. Ban còn xuất hiện bên trong niêm mạc ống tiêu hóa gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Nếu ban xuất hiện trong niêm mạc đường hô hấp sẽ gây rối loạn hô hấp, viêm đường hô hấp. Khi ban phủ kín toàn thân thì thân nhiệt sẽ bị giảm.
  • Hồi phục: bệnh nhân hồi phục khi ban nhạt dần và chuyển sang màu xám, bong thành vảy, để lại sẹo dạng vằn da hổ. Bệnh có thể tự khỏi nhưng bệnh nhân sẽ vẫn còn ho 1 – 2 tuần sau khi hết ban.

Thể không điển hình

  • Biểu hiện lâm sàng của thể không điển hình là những cơn sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và ít phát ban. Thể này thường dễ bị bỏ qua, khi đó người mang bệnh sẽ là nguồn lây nguy hiểm khi không được cách ly, vẫn tiếp xúc giao tiếp như bình thường.
  • Thể sốt ác tính: sốt cao kèm theo các biến chứng suy hô hấp, rối loạn thần kinh nặng kèm theo rối loạn đông máu.

Theo cuocsongkhoe.com