Phân biệt viêm khớp dạng thấp và bệnh lyme

Bệnh Lyme là một bệnh truyền nhiễm do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi (B.b) gây ra, lây từ động vật sang người thông qua trung gian là các loại bọ ve. Bệnh gây những tổn thương ở da, hệ thần kinh, tim và khớp. Trong đó có một số triệu chứng khá giống với bệnh viêm khớp dạng thấp (VKDT). Tuy nhiên cách điều trị của hai bệnh hoàn toàn khác nhau, do đó mà người bệnh rất cần được biết cách để phân biệt hai chứng bệnh này.

phan-biet-viem-khop-dang-thap

Viêm khớp dạng thấp là gì?

VKDT là một bệnh tự miễn mạn tính liên quan đến sự viêm và hủy hoại các tổ chức mô mềm ở các khớp có bao hoạt dịch. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác, các biến chứng của bệnh chủ yếu ở trên khớp, gây đau dữ dội và biến dạng khớp, làm hạn chế khả năng sinh hoạt bình thường của bệnh nhân. Bệnh thường gặp ở người trung niên và nữ giới có nguy cơ mắc cao gấp 3 lần nam giới.

Các triệu chứng cơ bản của bệnh bao gồm:

  • Cứng khớp buổi sáng hơn 1 giờ, đau mạnh về đêm, giảm vào ban ngày
  • Sưng đau 1 trong 3 khớp cổ tay, khớp bàn ngón và khớp ngón gần
  • Sưng khớp có tính chất đối xứng
  • Có hạt dạng thấp dưới da
  • Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp dương tính
  • X-quan điển hình

Bệnh khởi phát từ từ và tiến triển ít nhất 6 tuần.

Bệnh Lyme là gì?

Một số bác sĩ gọi bệnh Lyme là “kẻ bắt chước vĩ đại” vì chúng có triệu chứng khá giống với rất nhiều chứng bệnh như:

  • Stress mạn tính, trầm cảm
  • Đau cơ thể, thoái hóa khớp
  • Xơ cứng bì
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lupus ban đỏ

Bệnh Lyme là một bệnh truyền nhiễm do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi (B.b) gây ra, lây từ động vật sang người thông qua trung gian là các loại bọ ve. Bệnh gây những tổn thương ở da, hệ thần kinh, tim và khớp.

Bệnh được đặt tên cho nơi nó được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1975 – Old Lyme. Khoảng 300.000 người được chẩn đoán dương tính mới mỗi năm trên thế giới.

Triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Sốt
  • Đau đầu, đau họng, đau khớp, mỏi cơ
  • Cổ cứng
  • Phát ban đỏ quanh vết cắn
  • Giảm thị lực và thính lực
  • Rối loạn tâm thần, nhạy cảm với ánh sáng

Bệnh để lại các hậu quả nghiêm trọng như tê đau, yếu mỏi cơ xương khớp. Vấn đề về tim mạch, hô hấp.

Làm sao để phân biệt VKDT và bệnh Lyme?

Các triệu chứng trên khớp của bệnh Lyme và VKDT khá giống nhau nên dễ dàng bị nhầm lẫn. Điều quan trọng là chẩn đoán phân biệt hai bệnh để đưa ra phác đồ phù hợp nhất. Hãy đi khám bác sĩ để được làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt.

  • Để loại trừ khả năng mắc VKDT, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử bị bệnh của bản thân và gia đình, đôi khi bạn có thể phải làm các test thử máu để chứng minh. Tính chất đau khớp của VKDT thường là đối xứng ở các khớp vừa và nhỏ. Đau ở khớp có màng hoạt dịch, các tổ chức mô mềm tăng sinh, gây hoại tử và ăn mòn đầu khớp, dính khớp thể hiện ở X-quang đặc trưng.

Điều trị VKDT chủ yếu dựa trên các thuốc giảm đau chống viêm và một số thuốc ức chế miễn dịch, ức chế cytokine. Kháng sinh chỉ sử dụng khi có bội nhiễm do nhiễm trùng bên ngoài.

  • Chẩn đoán Lyme, các bác sĩ thường dùng các xét nghiệm máu để xác định vi khuẩn B.b. Là một bệnh do vi khuẩn gây ra nên Lyme hoàn toàn có thể điều trị bằng kháng sinh và cho hiệu quả khá tốt, có thể ngăn chặn cũng như làm giảm nhanh chóng các cơn đau khớp. Điều trị sớm là chìa khóa quan trọng mở cánh cổng điều trị cho bệnh nhân Lyme. Khác với điều trị VKDT, các thuốc thường có thời gian tác dụng khá dài, ví dụ methotrexate có thời gian tác dụng từ 4 – 6 tuần.

Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp các bạn có thể bước đầu cho mình hướng phân biệt VKDT và bệnh Lyme. Hãy theo dõi những bài viết cùng chuyên mục để có được góc nhìn toàn diện nhất trong điều trị VKDT.

Theo cuocsongkhoe.com