Phòng và điều trị bệnh zona thần kinh

Zona thần kinh là một bệnh da liễu thường gặp vào những thời điểm giao mùa. Bệnh điển hình bởi những nốt mẩn ngứa, phỏng rộp thành đám, chứa dịch lỏng bên trong, các nốt phỏng có thể nhập lại với nhau trông như một vết bỏng nặng. Bệnh không khó điều trị tuy nhiên nếu điều trị không đúng cách rất dễ gây nên sẹo thâm trên da, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mĩ và sự tự tin của bệnh nhân.

zona-than-kinh

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do virus Varicella – zoster gây ra, virus này cũng chính là virus gây nên bệnh thủy đậu. Chúng xâm nhập và khu trú ở dây thần kinh, tồn tại ở thể ngủ không gây bệnh và chờ những điều kiện thuận lợi để bùng phát các triệu chứng trên da và dây thần kinh. Chúng xâm nhập thường do điều trị thủy đậu không hết hoàn toàn virus hoặc đợt xâm nhiễm trước đây của virus không thành công, không gây nên chứng thủy đậu.

Ở giai đoạn phát bệnh, bệnh được đặc trưng bằng những vùng mẩn đỏ ở một bên cơ thể, dọc theo các dây thần kinh dưới da. Các vùng mẩn đỏ dần trở nên ngứa và xuất hiện những mụn nước, phỏng rộp như những vết bỏng. Sau khi điều trị, các mụn nước teo dần và hình thành những mảng bong tróc, giai đoạn này, bệnh nhân dễ bị để lại sẹo trên da mặt nếu không được điều trị đúng cách.

Điều trị zona thần kinh như thế nào?

Điều trị zona thần kinh về cơ bản là sự kết hợp giữa điều trị triệu chứng và dùng một số thuốc kháng virus, thuốc chống dị ứng, giảm đau và giảm cảm giác ngứa.

Cụ thể bệnh nhân cần:

  • Giữ cho da khô và sạch, tránh những nguồn bệnh có thể gây nguy cơ nhiễm trùng và lây lan
  • Mặc quần áo lỏng và thoải mái, tránh gây cọ xát vùng tổn thương
  • Tránh dùng kháng sinh ngoài da và các loại băng vết thương dính, không khô thoáng vì chúng có thể làm chậm quá trình điều trị cũng như có thể gây tổn thương da không cần thiết
  • Nếu vùng phát ban cần được che phủ, nên sử dụng những loại băng y tế không dính, thoáng mát và không gây kích ứng da để che phủ nhẹ nhàng
  • Thuốc kháng histamin có thể giúp là giảm các triệu chứng ngứa vào ban đêm, tránh trường hợp bệnh nhân gãi vô thức làm tổn thương vùng da nhiễm bệnh
  • Thuốc điều trị kháng virus cho zona thần kinh là những thuốc được kê theo toa và cần tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo của bác sĩ với từng thể trạng bệnh nhân. Thuốc thường dùng là Acyclovir, liều phụ thuộc lứa tuổi và sức đề kháng, dùng 4 – 5 liều/ngày, khoảng cách các lần uống là 4 tiếng và dùng trong 5 – 7 ngày.

Phòng bệnh đặc hiệu

Vaccin phòng ngừa đặc hiệu bệnh zona thần kinh có thể cùng lúc ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Việc chủng ngừa vaccin đà là một việc cần thiết được các chuyên gia Y tế khuyến cáo trong các chương trình thường quy về tiêm chủng. Vaccin sẽ bảo vệ bé khỏi các biến chứng tồi tệ của bệnh thủy đậu. 90% người được tiêm phòng được bảo vệ hoàn toàn khỏi căn bệnh, 10% còn lại sẽ chỉ có những triệu chứng nhẹ mà thôi. Những người đã tiêm phòng thủy đậu cũng có thể mắc zona nhưng ít tiến triển thành ca bệnh nghiêm trọng so với những người chưa được tiêm phòng.

Trẻ có thể được tiêm từ 1 đến 2 mũi cách nhau 3 tháng. Mũi đầu tiên khoảng giữa 12 và mũi thứ hai vào khoảng 15 tháng tuổi. Nếu trễ hơn, bé có thể tiêm 2 mũi vào tuổi lên 4 và lên 6. Vaccin ngừa thủy đậu có thể được kết hợp với các loại vaccin cho bệnh sởi, quai bị, rubella trong duy nhất một mũi tiêm gọi là MMRV (theo tên tiếng Anh viết tắt của các căn bệnh này). Nếu có tiền sử bị co giật, bé sẽ được tiêm phòng thủy đậu riêng rẽ với những vaccin còn lại.

Theo Cuocsongkhoe.com