Triệu chứng bệnh tả

Tả là một căn bệnh không hiếm gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là các nước chậm phát triển như nước ta. Do đó nhận biết sớm bệnh tả và có biện pháp điều trị thích hợp là một trong những điều cần thiết.

trieu-chung-benh-ta

Triệu chứng lâm sàng bệnh tả

Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ này kéo dài từ 4 giờ đến 4 ngày, bệnh nhân hầu như chưa có triệu chứng gì đặc biệt. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc và lượng vi khuẩn Vibrio Cholerae – vi khuẩn gây bệnh tả – mà bệnh nhân nhiễm phải.

Thời kỳ khởi phát

Thời kỳ này kéo dài khoảng vài giờ. Bệnh nhân đột nhiên thấy các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, sôi ruột. Bệnh nhân tiêu chảy vài lần, không có biểu hiện của sốt. Rất nhiều trường hợp lây lan dịch tả là do bệnh nhân thấy giống tiêu chảy và đau bụng bình thường do đó đã không chú ý tới.

Thời kỳ toàn phát

Thời kỳ này diễn biến nhanh trong vòng từ 3 đến 10 giờ với triệu chứng bùng phát rất dữ dội đó là nôn và tiêu chảy

Tiêu chảy dữ dội: bệnh nhân đi ngoài rất nhiều, từ 20 lần tới 50 lần một ngày. Tính chất phân rất đặc biệt: phân toàn nước, đục, hoặc khá trong, bệnh trong có các vẩy trắng (dấu hiệu của các mảnh tế bào thượng bì niêm mạc ruột) chứa rất nhiều vi khuẩn tả. Phân không có máu, mùi rất tanh nhưng không thối, pH của phân là kiềm 8 – 8,5 (do vi khuẩn tả chỉ sống được trong môi trường kiềm nên trong điều kiện người bình thường sẽ không mắc bệnh do tất cả vi khuẩn sẽ chết khi gặp pH axit ở dịch vị dạ dày).

Nôn dữ dội: đầu tiên là nôn vọt ra toàn bộ thức ăn, sau đó nôn ra rất nhiều nước.

Hậu quả khôn lường nhất của 2 triệu chứng này là mất nước và điện giải rất nhanh. Vẻ mặt bệnh nhân hốc hác, lờ đờ. Mắt trũng sâu, da nhăn nheo, các hố trên xương đòn và xương ức lõm vào. Giọng nói thều thào không rõ, tim đập yếu, mạch nhanh, thân nhiệt hạ nhiều.

Tình trạng shock toàn thân hoặc tiền shock rất nguy hiểm với các biểu hiện như đầu chi tím lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt được mạch. Huyết áp tụt, đái ít hoặc vô niệu. Ngoài ra bệnh nhân còn thấy các cơ bắp co rút, đau do giảm Kali huyết và nhiễm toan máu (chuột rút).

Thời kỳ hồi phục

Bệnh diễn biến trong vài ngày rồi tự dừng, nếu được bù nước và điện giải kịp thời sẽ hồi phục nhanh hơn. Do đó một trong những nguyên tắc điều trị bệnh tả đó là không được cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn, chống tiêu chảy mà chỉ được bù nước và điện giải đồng thời phòng ngừa các biến chứng nếu có.

Theo Cuocsongkhoe.com