Chuẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là một căn bệnh phổ biến gặp ở người già do các vấn đề về lão hóa, hoặc các yếu tố nguy cơ như: tiểu đường, uống nhiều rượu, hút thuốc lá, các tổn thương mắt hay sử dụng corticoid kéo dài. Sau đây là tổng quan về chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể và các vấn đề liên quan.

duc-thuy-tinh-the

Chẩn đoán đục thủy tinh thể

Hầu hết các chứng đục thủy tinh thể có thể được chẩn đoán bằng khám nhãn khoa không cần xét nghiệm. Bác sĩ mắt sẽ kiểm tra thị lực của bạn và kiểm tra mắt bằng kính lúp, bóng đèn để tìm kiếm các vấn đề với thủy tinh thể và các bộ phận khác của mắt. Các case lâm sàng được mở rộng để kiểm tra tốt hơn phần đáy mắt, nơi có hệ thống võng mạc và thần kinh thị giác.

Phẫu thuật đối với đục thủy tinh thể

Nếu bạn bị mất thị lực do đục thủy tinh thể mà không thể điều chỉnh được bằng kính thuốc hoặc kính áp tròng, bạn có thể cần tới phẫu thuật để điều trị đục thủy tinh thể. Đối với phẫu thuật đục thủy tinh thể, thủy tinh thể bị đục sẽ được lấy đi và thay bằng một thủy tinh thể nhân tạo. Phẫu thuật được thực hiện trên cơ sở ngoại trú hoặc nội trú ngắn ngày, an toàn và cực kỳ hiệu quả trong việc cải thiện thị lực. Tuy nhiên, tùy vào chất lượng thủy tinh thể nhân tạo mà bệnh nhân có thể sẽ phải thay lại sau một thời gian nhất định. Đục thủy tinh thể là bệnh tiến triển theo thời gian, nếu các ảnh hưởng của bệnh tới chất lượng cuộc sống của bạn không quá lớn, bạn nên chờ đợi và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật.

Những điều cần chú ý sau phẫu thuật

Trong một vài ngày hậu phẫu, mắt bạn sẽ ngứa và nhạy cảm với ánh sáng. Bạn có thể được kê thuốc giảm đau và kháng sinh để chữa lành và yêu cầu đeo kính bảo hộ hoặc băng che mắt để bảo vệ. Sẽ mất khoảng tám tuần để mắt bạn lành lại, mặc dù tầm nhìn của bạn đã bắt đầu cải thiện ngay sau khi phẫu thuật. Đôi khi bạn vẫn có thể cần kính,  để xác định khoảng cách hoặc đọc sách. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một số thức ăn cần kiêng khem sau phẫu thuật như đồ tanh, lòng trắng trứng, rượu, cà phê và các chất kích thích.

Rủi ro có thể gặp khi phẫu thuật

Các biến chứng từ phẫu thuật đục thủy tinh thể rất hiếm gặp. Những rủi ro phổ biến nhất là xuất huyết, nhiễm trùng và tăng nhãn áp, tất cả đều có thể điều trị được khi phát hiện sớm. Phẫu thuật có thể còn làm tăng nguy cơ bong võng mạc, điều này đòi hỏi bệnh nhân phải được điều trị khẩn cấp. Đôi khi, các mô thủy tinh thể còn lại sau khi phẫu thuật có thể trở nên đục sau một thời gian, thậm chí nhiều năm sau khi phẫu thuật. Nếu không thể thay thủy tinh thể khác thì vẫn còn một phương pháp tiềm năng đó là dùng laze để chữa trị.

Mẹo nhỏ để ngăn chặn đục thủy tinh thể

Có một số mẹo nhỏ trong lối sống giúp bạn ngăn chặn phần nào tiến triển của đục thủy tinh thể như sau:

  • Không hút thuốc, sử dụng nhiều rượu và chất kích thích
  • Đội mũ và kính bảo hộ khi đi dưới trời nắng hoặc bụi
  • Kiểm soát tốt huyết áp và đái tháo đường nếu có

Hy vọng những kiến thức chúng tôi vừa cung cấp sẽ mang lại những góc nhìn tổng quan nhất về điều trị đục thủy tinh thể áp dụng trong y học hiện nay. Mời các bạn đón đọc bài viết về 9 loại thực phẩm tốt cho thị lực của bạn.