Điều trị viêm phổi và những lưu ý không thể bỏ qua

Viêm phổi một bệnh hô hấp rất phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm tại nhu mô phổi gồm các ống phế nang, túi phế nang, tiểu phế quản tận và các tổ chức kẽ. Đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người, chiếm 7% dân số thế giới mỗi năm. Sau đây là những kiến thức không thể bỏ qua về điều trị đặc hiệu cho từng loại viêm phổi.

phi-bao-hiem-ung-thu-k-care-la-bao-nhieu

1. Viêm phổi do vi khuẩn

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm phổi là do vi khuẩn. Triệu chứng thường xảy ra tương đối nhanh, bao gồm rét run, sốt cao, ra mồ hôi, đau ngực, khó thở, ho đờm đặc màu xanh hoặc màu vàng. Viêm phổi do vi khuẩn thường khu trú ở một vùng (thuỳ) phổi và được gọi là viêm phổi thuỳ.

Với trường hợp này, các bác sĩ thương dùng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân, mang lại hiệu quả điều trị khá tốt nếu nhận được sự hợp tác tích cực từ phía bệnh nhân trong thời gian sử dụng thuốc.

Các tiêu chuẩn lựa chọn kháng sinh cho bệnh nhân dựa trên một số điều, bao gồm tuổi tác, các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Số ngày sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe chung, chủng vi khuẩn bạn đang mắc và loại kháng
sinh bạn đang dùng.

Hầu hết các triệu chứng viêm phổi sẽ giảm sau 2 – 3 ngày sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh, bạn cần duy trì sử dụng kháng sinh trong 5 – 7 ngày nếu không muốn làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh cho chính bạn và cộng đồng.

Nếu sau khoảng thời gian trên mà các triệu chứng của bạn không hề thuyên giảm thì đó là dấu hiệu của tình trạng kháng kháng sinh. Lúc này các bác sĩ sẽ cần thực hiện xét nghiệm kháng sinh đồ nhằm tìm ra kháng sinh phù hợp nhất với bạn. Đồng thời những xét nghiệm tìm chủng vi khuẩn cũng được tiến hành để xác định tình trạng của bạn là do chủng vi khuẩn nào gây nên.

Thông thường bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà sau khi được bác sĩ hoặc dược sĩ kê đơn. Tuy nhiên với những trường hợp sau, bệnh nhân nên nhập viện để được chăm sóc và điều trị tốt nhất:

  • Bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trên 65 tuổi.
  • Có các bệnh liên quan đến chức năng hô hấp khác như COPD, suy tim, hen suyễn, đái tháo đường, suy thận mạn hoặc xơ gan.
  • Bệnh nhân không có khả năng tự chăm sóc, sống trong môi trường có điều kiện y tế yếu kém.

2. Viêm phổi do virus

Độ phổ biến cũng tương tự như viêm phổi do vi khuẩn. Các triệu chứng viêm phổi do virus thường xảy ra từ từ và ít nghiêm trọng hơn so với viêm phổi do vi khuẩn. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng giống cúm, đau đầu, ho khan, sốt, đau cơ và mệt mỏi. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể có khó thở và ho khạc đờm trong hoặc màu trắng. Người bị viêm phổi virus cũng có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Nguyên nhân viêm phổi do virus có thể là do sự xâm lấn của các bệnh khác như virus cúm hoặc virus thủy đậu. Thuốc kháng sinh không mang lại tác dụng điều trị trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus gây ra viêm phổi. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ buộc phải sử dụng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm do vi khuẩn.

Những người dễ bị viêm phổi sau khi bị cúm (ví dụ phụ nữ mang thai) có thể dùng thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) để giúp làm giảm các triệu chứng. Bệnh do nhiễm virus thủy đậu (Varicella) cũng có thể sử dụng thuốc kháng virus như acyclovir và những thuốc tượng tự.

Trong hầu hết các trường hợp, viêm phổi là một bệnh cấp tính và có thể chữa trị hoàn toàn sau thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân không thực sự tuân thủ tốt phác đồ điều trị hoặc người bệnh bị suy giảm miễn dịch và có những bệnh đi kèm thì nguy cơ mắc viêm phổi thường xuyên là rất cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ trong quá trình điều trị, tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc đưa ra cũng như liên tục phản hồi về kết quả điều trị để có thể phòng ngừa và ngăn chặn mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi.

Theo cuocsongkhoe.com