Viêm phổi không điển hình là gì?

Viêm phổi không điển hình là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, gây ra tình trạng nhiễm trùng tại các túi phế nang của phổi, thường do các dòng vi khuẩn như Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae gây ra. Viêm phổi không điển hình thường có diễn biến nhẹ hơn viêm phổi điển hình.

viem-phoi-khong-dien-hinh

1. Như một cơn cảm lạnh nhưng chứa đầy nguy hiểm

Trong tiếng Anh có có tên là “walking pneumonia”, mô tả như việc người bệnh vẫn có thể đi lại và sinh hoạt khi mắc viêm phổi không điển hình. Tuy nhiên, chính những diễn biến âm thầm khiến bệnh nhân không đề phòng và gia tăng mức độ nguy hiểm của bệnh. Các triệu chứng của viêm phổi không điển hình đôi khi chỉ giống như một cơn cảm lạnh, và bệnh nhân sẽ tiếp tục trở lại công việc sau cơn cảm cúm mà không hề biết rằng mình đã mắc viêm phổi. Đó là điều nguy hiểm nhất của bệnh.

2. Đối tượng nào có thể mắc viêm phổi không điển hình?

Bất cứ ai cũng có thể mắc viêm phổi không điển hình. Tuy nhiên viêm phổi không điển hình do mycoplasma phổ biến nhất ở trẻ em, người làm việc trong môi trường khói bụi ô nhiễm, hút thuốc lá và sử dụng rượu bia cũng như người trưởng thành dưới 40 tuổi.

Những không gian đông người như kí túc, trường học, viện dưỡng lão… cũng là những nơi mà nguy cơ nhiễm viêm phổi không điển hình tăng cao.

Tuy vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhiễm vào bất kì thời điểm nào trong năm, nhưng thời gian phổ biến có số ca mắc viêm phổi không điển hình tăng cao thường là vào khoảng cuối hè và đầu thu.

3. Triệu chứng của bệnh

Những triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bắt đầu sau khoảng 15 – 25 ngày sau khi bạn tiếp xúc với mycoplasma và tình trạng sẽ dần xấu đi trong vòng 2 – 4 ngày sau đó. Tuy là không điển hình nhưng chúng thường có những triệu chứng thường gặp sau đây:

  • Đau ngực khi hít sâu hoặc vận động
  • Ho kèm theo đau thắt ngực
  • Các triệu chứng như một đợt cảm lạnh hoặc cúm
  • Viêm họng
  • Đau đầu dữ dội
  • Mệt mỏi, đau yếu cơ, đau khớp
  • Một số trường hợp được ghi nhận có nhiễm trùng tai, thiếu máu hoặc sốt phát ban

4. Chẩn đoán viêm phổi không điển hình

Bác sĩ thường dựa vào tuổi tác, môi trường làm việc, bệnh tình và thể trạng trước đây cũng như hiện tại của bệnh nhân để chẩn đoán. Các phương pháp chẩn đoán thường là nghe tiếng phổi bằng ống nghe, X – quang phổi và đôi khi cần tới xét nghiệm máu để xác định sự có mặt của vi khuẩn thông qua nồng độ kháng thể, số lượng các loại bạch cầu trong máu.

5. Điều trị

Nếu viêm phổi điển hình được xác định gây ra bởi vi khuẩn thì bạn hoàn toàn có thể dùng kháng sinh để điều trị bệnh. Tuy nhiên kháng sinh sẽ không có tác dụng nếu bệnh tình của bạn do virus hoặc nấm gây ra.

Mọi kháng sinh bạn sử dụng cần có sự kê đơn chặt chẽ của bác sĩ hoặc dược sĩ. Bạn bắt buộc phải tuân thủ đúng và đủ liều thuốc để giảm nguy cơ kháng kháng sinh sau này.

Ngoài ra bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi, ăn thức ăn mềm và uống nhiều nước

6. Tiên lượng bệnh

Hầu hết các trường hợp viêm phổi không điển hình đáp ứng tốt với các kháng sinh hiện dùng. Tuy nhiên chúng thường diễn biến nặng ở các đối tượng như người bệnh suy thận, bệnh nhân tiểu đường, bệnh hô hấp mạn như COPD, bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu như người già và trẻ em. Điều này làm tăng nguy cơ dẫn đến tử vong của bệnh.

Theo cuocsongkhoe.com