4 Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một trong những căn bệnh phổ biến về cơ xương khớp hiện nay và hiện vẫn đang là một trong những vấn đề lớn của Y học điều trị. Theo thống kê về tình hình bệnh tật tại khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1991-2000, Bệnh VKDT chiếm tỷ lệ 21,94% trong đó đối tượng nữ chiếm tới 92,3%, lứa tuổi chiếm đa số là từ 36-65 (72,6%). Bệnh có tính chất gia đình trong một số trường hợp.viem-khop-ang-thap

Viêm khớp là gì ?

Từ viêm khớp (Arthritis) trong tiếng Hy Lạp gồm “arthro” và “itis” nghĩa là viêm chỗ khớp nối. Viêm khớp là một dạng rối loạn ở khớp liên quan đến tình trạng viêm (sưng, đau, nóng, đỏ) của một hay nhiều khớp. Trong thực tế có khoảng 100 dạng viêm khớp khác nhau, và nhân viên Y tế có thể không cho bạn biết ngay được tình trạng viêm khớp bạn đang mắc phải.

Bệnh VKDT là gì ?

Bệnh VKDT là bệnh lý không lây nhiễm, thuộc loại viêm khớp mạn tính, gây đau, sưng, ít nóng đỏ và có thể dẫn đến dính khớp, cứng khớp, mất khả năng vận động. VKDT là một trong những bệnh lý khớp thường gặp nhất, được xếp  vào nhóm bệnh lý tự miễn (khi hệ thống miễn dịch tấn công chính những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể). Tỷ lệ mắc VKDT ở phụ nữ gấp 2-4 lần nam giới, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nguyên nhân VKDT.

Đến nay, nguyên nhân VKDT vẫn chưa được nghiên cứ rõ ràng. Tuy vậy các nhà khoa học đã tìm ra được một số yếu tố được cho là có liên quan mật thiết đến bệnh sinh VKDT, bao gồm:

  • Yếu tố nhiễm khuẩn: Một số giả thiết cho rằng, một số vi khuẩn hay virus tác động đến yếu tố cơ địa thuận lợi (cơ thể suy nhược, sau chấn thương, phẫu thuật, mắc bệnh truyền nhiễm,… ) làm khởi phát bệnh. Mặc dù một vài nghiên cứu đã tìm thấy một số bằng chứng về vai trò của các virus như Epstein-Barr virus, Parvo virus, Rubella virus,… hoặc các loại vi khuẩn như: Mycoplasma, Mycobacteria, khuẩn đường ruột,… song cho đến nay chưa có chính xác một tác nhân nhiễm trùng nào được chứng minh gây ra VKDT.
  • Tuổi tác và giới tính: Tỷ lệ mắc VKDT ở nữ giới cao gấp 4 lần nam giới và tỷ lệ này giảm dần theo tuổi. Do vậy hormon giới tính và tuổi tác cũng có liên quan tới VKDT. Có một số nghiên cứu nhận thấy VKDT ít gặp hơn ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống.
  • Yếu tố di truyền: Từ rất lâu người ta đã nhận thấy VKDT có tính chất gia đình. Một nghiên cứu lớn trên hàng ngàn cặp sinh đôi ở Phần Lan (1986) cho thấy sự phù hợp ở 12% các cặp sinh đôi đồng hợp tử và 3.5% các cặp dị hợp tử. Điều này cho thấy có thể có sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và không di truyền. Phát triển trên định hướng đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liện quan giữa VKDT và yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức HLA (Human Leucocyte Antigen-một nhóm gene mã hóa cho các protein trình diện kháng nguyên bề mặt tế bào của đa số động vật có xương sống). Tỷ lệ HLA-DR4 và HLA-DR1 tăng rõ nét ở bệnh nhân VKDT, nguy cơ tương đối kết hợp với HLA-DR4 là 6-12%, cũng có sự kết hợp này ở người Nhật, người da đen và Mỹ Latinh.
  • Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường cũng có khả năng liên quan đến VKDT, tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ không cho phép khẳng định điều này. Mặc dù bệnh thường gặp ở các vùng lạnh và ẩm, song vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định yếu tố môi trường gây nên VKDT. Không có sự khác biệt về tỷ lệ VKDT ở các nhóm ngành nghề hay giữa vùng nùi, nông thôn, thành thị.

Nếu được điều trị thích hợp, VKDT có thể được trì hoãn hoặc ngăn chặn tiến triển bệnh, giảm đau khớp, bệnh nhân có thể hoạt động tốt hơn, tránh bị tàn phế và bất động.

Theo Cuocsongkhoe.com