Sai khớp và những điều cần biết

Sai khớp là tình trạng thường gặp người thường xuyên vận động thể thao hoặc bê vác nặng nhọc. Biểu hiện của sai khớp là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương ở mỗi khớp, nó làm thay đổi một phần hay hoàn toàn mối liên quan giữa 2 mặt khớp đối diện nhau và thường kèm theo rách bao khớp.

sai-khop

Các thống kê về sai khớp

  • Sai khớp thường gặp nhiều ở tuổi trung niên, tuổi từ 25 – 40, còn ở trẻ em và người già gặp ít. Cùng cơ chế gây chấn thương: ở thanh niên thì sai khớp, còn ở người già thì bị gãy xương (ví dụ: gãy cổ xương đùi – cổ xương cánh tay…) còn ở trẻ em thì thường bong sụn tiếp hơn là sai khớp. Sai khớp vai là loại sai khớp thường gặp nhất với khoảng 60% số trường hợp bệnh.
  • Sai khớp gọi là không hoàn toàn khi có thay đổi một phần mối liên quan giữa 2 mặt khớp.
  • Tương tự, khi có thay đổi hoàn toàn mối liên quan giữa 2 mặt khớp thì gọi là sai khớp hoàn toàn.

Phân loại sai khớp

Phân loại sai khớp theo nguyên nhân:

  • Sai khớp do chấn thương.

Bao gồm sai khớp do có tác động trực tiếp lên khớp làm khớp trật ra được gọi là sai khớp do chấn thương trực tiếp. Mặt khác, nếu sai khớp do ảnh hưởng của những chấn thương xa khớp được gọi là sai khớp gián tiếp, loại này thường gặp hơn sai khớp trực tiếp.

  • Sai khớp do bệnh lý.

Thường do lao khớp làm cho mặt khớp biến dạng rồi sau đó dẫn tới sai khớp, hay gặp ở khớp háng…

  • Sai khớp bẩm sinh.

Hay gặp tại khớp xương bánh chè hoặc khớp háng.

Phân loại sai khớp theo vị trí:

  • Tuỳ theo vị trí của chỏm xương trật ra nằm ở vị trí nào so với ổ khớp mà người ta chia ra các loại sai khớp ra sau, ra trước, vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới.

Phân loại sai khớp theo thời gian:

  • Sai khớp sớm: được phát hiện và chữa trị trong những giờ đầu, ngày đầu, có thể kéo nắn được.
  • Sai khớp muộn: được phát hiện và chữa trị sau khoảng 2 – 3 tuần, thường khó nắn lại, ít đạt được kết quả mong đợi, thông thường cần được chỉ định phẫu thuật.

Phân loại sai khớp theo biến chứng:

Tùy vào loại biến chứng kết hợp mà người ta có thể phân loại sai khớp như sau:

  • Sai khớp kết hợp với gãy xương
  • Sai khớp kết hợp với tổn thương thần kinh
  • Sai khớp kết hợp với tổn thương mạch máu

Phân loại sai khớp theo tổn thương xung quanh:

  • Sai khớp kín khi ổ khớp sai không thông với bên ngoài
  • Sai khớp hở khi ổ khớp sai có thông với bên ngoài qua vết thương, hoặc do đầu xương chọc thủng ra ngoài.

Phân loại tổn thương do sai khớp

  • Bao khớp: là khu vực dễ tổn thương nhất, thường bị rách ở chỗ khớp có điểm yếu và làm cho đầu xương chui qua vì vậy khi nắn xong phải bất động để bao khớp mau lành.
  • Dây chằng: thường bị đứt hoặc bị kéo giãn theo khớp sai, gây đau dữ dội.
  • Mạch ngoại vi quanh khớp: thường ít bị tổn thương, tuy nhiên một số trường hợp cũng gây đứt các mạch máu nhỏ.
  • Thần kinh: chỉ xảy ra khi khớp sai lệch nhiều chèn ép lên các dây thần kinh.
  • Sụn và xương: thường ít bị tổn thương tuy nhiên có thể bong gân, bông dây chằng bám vào xương do bị khớp chèn ép.

Theo cuocsongkhoe.com