Chẩn đoán và điều trị viêm bao hoạt dịch khớp

Bao hoạt dịch là bao chứa dịch lỏng nằm ở các vị trí tiếp giáp giữa khớp xương và các vùng lân cận như cơ, gân, da. Chúng có chức năng như một lớp đệm sinh học, giúp các cử động của khớp trở nên dễ dàng và êm ái. Viêm bao hoạt dịch là khi có một yếu tố lạ xâm nhập vào bên trong phần dịch nhầy, kích thích phản ứng miễn dịch gây sưng, nóng, đỏ và rất đau, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân. Sau đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức quan trọng nhất trong chẩn đoán và điều trị viêm bao hoạt dịch khớp.

chan-doan-va-dieu-tri-viem-bao-hoat-dich-khop

Chẩn đoán bệnh viêm bao hoạt dịch như thế nào?

Về triệu chứng lâm sàng, biểu hiện của viêm bao hoạt dịch khá giống với những bệnh viêm khớp hoặc viêm dây chằng khác. Cũng bao gồm sưng, đau, đỏ và nóng tại khớp viêm khiến bệnh nhân bị giới hạn vận động và khó khăn rất nhiều trong sinh hoạt. Để chẩn đoán phân biệt viêm bao hoạt dịch, các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • X-quang chẩn đoán dựa trên hình ảnh đặc trưng
  • Chọc hút dịch, soi trực tiếp dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy để phát hiện vi khuẩn
  • Xét nghiệm máu để sàng lọc các trường hợp viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) mặc dù phương pháp này hiếm khi được dùng

Điều trị viêm bao hoạt dịch khớp như thế nào?

Bình thường, cơ chế miễn dịch của cơ thể sẽ tự sửa chữa ổ viêm mà bạn không cần phải dùng thuốc cũng có thể tự hết các triệu chứng sau vài ngày hoặc một tuần. Tuy nhiên trong trường hợp ổ viêm có tình trạng bội nhiễm và cơ thể không thể tự sửa chữa thì đây là khi bạn cần dùng một số loại thuốc để có thể chữa trị dứt điểm.

Điều trị cơ bản ban đầu, các bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc giảm đau chống viêm thông thường (giảm đau chống viêm phi steroid – NSAIDs). Các thuốc điển hình là paracetamol, ibuprofen hoặc naproxen. Chúng có tác dụng ngắt cơn đau tạm thời và chống viêm.

Nếu tình trạng bệnh của bạn vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì đó là lúc các bác sĩ hoặc dược sĩ kê cho bạn một số thuốc khác như các loại kháng sinh hoặc corticoid. Kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn trong trường hợp ổ viêm của bạn được xác định là do một loại vi khuẩn ngoại sinh nào đó gây ra. Trong khi corticoid là một thuốc chống viêm steroid có tác dụng rất mạnh và có thể nhanh chóng làm giảm triệu chứng viêm.

Tuy vậy, cả kháng sinh và corticoid đều tiềm ẩn những tác dụng không mong muốn đáng kể. Đối với kháng sinh, đó là tình trạng kháng thuốc nếu bạn dùng không đủ liều, dùng kháng sinh khi căn nguyên gây bệnh không phải do vi khuẩn hoặc dòng kháng sinh đó không còn đáp ứng tốt trên chủng vi khuẩn mà bạn gặp phải. Còn với corticoid thì đây là một thuốc có thể gây suy giảm miễn dịch, xuất huyết tiêu hóa và các biến chứng trên gan, thận, cơ xương khớp…

Vì vậy, đối với kháng sinh và corticoid, chúng ta chỉ nên sử dụng khi có khuyến cáo và tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Khi sử dụng thuốc phải liên tục theo dõi các thay đổi của cơ thể để có thể kịp thời thông báo cho nhân viên y tế, giúp họ có những xử trí nhanh và hợp lý nhất, ngăn ngừa các tác dụng không mong muốn của thuốc trong quá trình điều trị.

Theo cuocsongkhoe.com